Trẻ bị bỏng suýt gặp họa vì gia đình ngâm trong thùng nước đưa đến viện

(Dân trí) – Trẻ 6 tuổi (Quảng Ninh) bị dầu nóng. Gia đình đã cho trẻ ngâm vào thùng nước, sau đó chuyển cả thùng nước và trẻ đến viện. Cách làm này vô tình khiến thân nhiệt của trẻ bị hạ đột ngột.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) mới đây tiếp nhận một trẻ 6 tuổi bị bỏng dầu nóng. Tuy nhiên, gia đình đã cho trẻ ngâm vào thùng nước, sau đó chuyển cả thùng nước và trẻ đến viện.

Theo bác sĩ, trẻ nhập viện với nhiệt độ thân nhiệt khoảng 22 độ C. Việc ngâm trẻ như vậy khiến trẻ bị hạ thân nhiệt đột ngột. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. 

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã phải tiến hành ủ ấm giúp bảo vệ thân nhiệt của trẻ sau đó mới tiến hành xử trí vết bỏng. Trẻ bị bỏng độ I, II vùng cằm, ngực, bụng, 2 cánh tay diện tích 11%.

Trẻ bị bỏng suýt gặp họa vì gia đình ngâm trong thùng nước đưa đến viện - 1

Cách đúng là rửa vết bỏng dưới vòi nước (Ảnh: B.V).

Bỏng là tai nạn thường gặp trong đời sống sinh hoạt và lao động. Nó không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn để lại những hậu quả lâu dài, đặc biệt ở trẻ em. Việc xử trí đúng cách ngay sau bỏng làm giảm diện tích, độ sâu bỏng, làm diễn biến bệnh nhẹ hơn, giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế di chứng. 

Tuy nhiên rất nhiều người lại có cách xử trí như bôi xà phòng, bôi kem đánh răng, đắp thuốc, dội nước đá lên vết bỏng. Đây là những cách sơ cứu rất sai lầm, dễ gây nhiễm khuẩn vết thương.

Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo nếu bị bỏng, người dân không được sử dụng nước đá lạnh, nhiệt độ thấp khiến thân nhiệt bị giảm dẫn đến tình trạng mạch máu bị co lại khiến vết bỏng nghiêm trọng hơn.

Đồng thời, không bôi bất cứ loại thuốc gì lên vết bỏng khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không làm vỡ các nốt phỏng để tránh tình trạng nhiễm trùng. 

Cách tốt nhất là rửa vết bỏng dưới vòi nước chảy để hạ nhiệt, che phủ tạm thời bằng khăn sạch và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ bị bỏng cha mẹ cần ngâm vùng bỏng càng sớm càng tốt (tốt nhất trong vòng một giờ đầu), vừa ngâm rửa vùng bỏng, vừa dùng gạc lau nhẹ để làm trôi dị vật, bùn đất bám vào vết bỏng tránh làm tổn thương thêm da vùng bỏng. Chúng ta có thể đắp các khăn ẩm lên vùng bị bỏng.

Lưu ý, người dân không sử dụng đá lạnh, nước đá để ngâm rửa hay chườm lên vết bỏng. 

Thời gian ngâm thường 15-45 phút cho tới khi hết đau rát. Nước để ngâm sử dụng nước lạnh sạch, nhiệt độ từ 16 đến 20 độ là tốt nhất, hoặc đơn giản chỉ là nước sạch.

Cha mẹ cũng cần chú ý chỉ ngâm rửa vùng bị bỏng còn những vùng khác của cơ thể cần được giữ ấm, nhất là mùa đông. Đặc biệt với trẻ em, người già, khi thời tiết lạnh, khi diện tích bỏng rộng cần rút bớt thời gian ngâm nước, đề phòng nhiễm lạnh.

Trẻ bị bỏng suýt gặp họa vì gia đình ngâm trong thùng nước đưa đến viện - 2

Cách phòng tránh bỏng ở trẻ em

– Không cho trẻ chơi, nô đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện…

– Tránh để dụng cụ đựng nước nóng trong tầm tay với của trẻ em như nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống xả xe máy, hơi nồi cơm điện…

– Khi di chuyển nước nóng, thức ăn mới nấu… cần tránh xa trẻ để trẻ không va đụng.

– Luôn luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống.

– Cất giữ các chất dễ gây cháy bỏng vào tủ có khóa hoặc để ở những nơi ngoài tầm tay với của trẻ em.

– Không được để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm quẹt, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp lửa đang đun nấu, cồn, xăng, hóa chất…

– Không nên để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh, luôn luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm rửa.

– Luôn trông chừng trẻ đúng cách, cần thường xuyên để ý đến trẻ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

dantri.com.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *