Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2016, sản lượng xi măng (XM) tiêu thụ nước ta ước đạt 55,25 triệu tấn. Trong đó, lượng tiêu thụ nội địa tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước với con số 43,55 triệu tấn.
Tiêu thụ nội địa tăng nhưng xuất khẩu khó
Trong 9 tháng năm 2016, sản lượng tiêu thụ XM nội địa tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015. Con số tăng trưởng này được đánh giá thuộc diện khá với tốc độ tăng ở mức khá đều. Tính riêng tháng 9/2016, tiêu thụ XM nội địa đạt 5,25 triệu tấn, xuất khẩu clinker và XM đạt 1,3 triệu tấn. Cũng trong 9 tháng, tổng sản lượng XM tiêu thụ nội địa đạt khoảng 43,55 triệu tấn, con số này tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu clinker và XM cũng đạt khoảng 11,7 triệu tấn, bằng 98,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia, nếu tiêu thụ nội địa tiếp tục tăng thì ngược lại xuất khẩu XM của nước ta gặp khó khăn. Thực tế, trong năm 2016, sản lượng và giá trị xuất khẩu đã sụt giảm. Các DN sản xuất XM nước ta đã gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các nước láng giềng cùng sản xuất XM như Thái Lan, Trung Quốc…
Theo các chuyên gia, đạt được con ố 75 triệu tấn là điều không đơn giản
Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về sản lượng sản xuất XM. Tuy nhiên, lượng XM xuất khẩu của Việt Nam so với Thái Lan lại thấp hơn rất nhiều. Thái Lan là quốc gia có kinh nghiệm lâu năm trong xuất khẩu XM, có nhiều bạn hàng truyền thống, có lợi thế cạnh tranh là chất lượng và vận chuyển nhanh nên XM Thái Lan chiếm ưu thế hơn hẳn XM Việt Nam. Đây cũng chính là lý do khiến DN xuất khẩu XM của Việt Nam lép vế.
Trung Quốc sau thời gian phát triển nóng đã dư thừa công suất khoảng 670 triệu tấn XM. Lượng dư này được cho là gấp khoảng 8 lần tổng công suất XM của Việt Nam. Một trong những phương thức cạnh tranh của XM Trung Quốc là giảm giá để cạnh tranh. Phương thức cạnh tranh này khiến các DN XM của Việt Nam nói riêng, các DN XM nước ngoài khác nói chung rất khó để vượt lên.
Lo ngại khó đạt 75 triệu tấn trong năm 2016
Thực tế thì lượng XM tiêu thụ nội địa tăng nhưng xuất khẩu lại giảm. Do đó, từ nay đến cuối năm 2016, ngành XM có cán đích mục tiêu đề ra đạt 75 – 77 triệu tấn, tăng 3,2 – 6% so với năm 2015 hay không là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Về vấn đề này, đại diện một DN XM cho rằng, tiêu thụ XM hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, lượng XM trong nước dư cung, cạnh tranh khốc liệt. Vị này cũng nhận định, để đạt được con số 75 triệu tấn đã đề ra, toàn ngành phải thực sự nỗ lực.
Ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cũng bày tỏ, tiêu thụ trong nước tăng không đột biến, xuất khẩu tiếp tục gặp khó thì chỉ tiêu đặt ra tiêu thụ 75 – 77 triệu tấn là điều không đơn giản.
Hết tháng 9, tổng lượng XM tiêu thụ ước đạt 55,25 triệu tấn. Con số này đã tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, trong 3 tháng cuối năm, ngành sẽ phải tiêu thụ tối thiểu 20 triệu tấn, chia đều cho các tháng, đồng nghĩa với việc mỗi tháng cần tiêu thụ nội địa và xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn. Các DN trong nước phải đẩy mạnh tiêu thụ nội địa thì mới mong đạt được con số này. Do đó, thị trường XM trong nước sẽ tiếp tục cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua về đích giai đoạn cuối năm.
Theo Xây dựng Online