Mẹ lo bán bánh cuốn, bé trai 13 tuổi bị dầu sôi làm bỏng đầu mặt nặng nề

bong dau 2 edited crop 1710562199064

(Dân trí) – Nghe tiếng la hét, người mẹ đang bán bánh cuốn chạy xuống sau bếp thì phát hiện con trai 13 tuổi đã bị dầu sôi bắn lên khắp mặt và đầu làm bỏng nặng.

Ngày 16/3, chị K. (43 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) đưa con trai tên N.C.C. (13 tuổi) băng kín vùng đỉnh đầu đến tham gia chương trình khám bệnh, phát thuốc, tặng quà miễn phí cho hàng trăm người dân khó khăn tại huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), do Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM () phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức.

Mẹ lo bán bánh cuốn, bé trai 13 tuổi bị dầu sôi làm bỏng đầu mặt nặng nề - 1

Chị K. đưa con trai đến tham gia chương trình “Yêu thương lan tỏa” do Bệnh viện 1A tổ chức ở huyện đảo Phú Quý sáng 16/3 (Ảnh: Hoàng Lê).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị K. cho biết vì hoàn cảnh khó khăn, là trụ cột kinh tế chính trong nhà nên buổi sáng chị đi làm mướn, chiều lại tự làm bánh cuốn bán thêm. Cách đây 5 ngày, khi chị lo bán bánh cuốn ở trước nhà, bé C. ở sau bếp có bật bếp gas tự ăn.

Khi dầu sôi, bé C. vô tình quơ tay vào cạnh chảo, khiến dầu đổ nhiều xuống bếp, sau đó bắn lên cao, trúng vào vùng mặt và đầu của bệnh nhi. Nghe tiếng la hét, người mẹ vội chạy xuống sau bếp thì phát hiện con trai 13 tuổi đã bị dầu sôi làm bỏng nặng.

Mẹ lo bán bánh cuốn, bé trai 13 tuổi bị dầu sôi làm bỏng đầu mặt nặng nề - 2

Dầu sôi bắn lên đầu, mặt khiến bé trai 13 tuổi bỏng nặng (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngay lập tức, chị K. lấy nước tưới lên mặt con để làm dịu vết bỏng rồi đưa đến Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Phú Quý. Tại đây, bé được chẩn đoán bỏng dầu nặng, phải rửa vết thương, thay băng mỗi ngày. Đến nay, vùng da mặt bị bỏng của bé đang dần lành, tuy nhiên đỉnh đầu vẫn còn loét và tụ mủ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Ngọc Phúc, khoa Phẫu thuật chỉnh hình, Bệnh viện 1A cho biết, kết quả qua thăm khám cho thấy, bé bị độ 2-3 vùng đầu, mặt. Các vết thương của bệnh nhi không đáng ngại về mặt tính mạng, nhưng vùng da đỉnh đầu đã bị khuyết hổng, cần nhiều tuần để lành lại.

Đồng thời, bệnh nhi đối diện nguy cơ để lại sẹo, rất khó mọc tóc ở vị trí trên, ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ sau này. Bé C. được các bác sĩ chăm sóc thay băng, kê thuốc giảm đau, kháng sinh và vitamin rồi cho về nhà theo dõi.

Mẹ lo bán bánh cuốn, bé trai 13 tuổi bị dầu sôi làm bỏng đầu mặt nặng nề - 3

Bác sĩ Phúc cho biết, bé C. cần nhiều tuần để lành vết thương ở đầu và có nguy cơ không thể mọc tóc vùng mất da (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo bác sĩ Phúc, hàng năm tại Bệnh viện 1A tiếp nhận rất nhiều trường hợp bỏng do tai nạn sinh hoạt, như bỏng lửa, bỏng dầu, bỏng nước sôi, với các mức độ từ nhẹ đến hoại tử nặng, để lại sẹo co rút, di chứng sẹo bỏng.

Nhiều trường hợp phải ghép da, phẫu thuật tạo hình, xử lý sẹo bỏng nhiều lần và kết hợp chăm sóc, thời gian điều trị tính bằng năm, gây nhiều bất tiện, khó khăn trong cuộc sống cho bệnh nhân.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần cẩn trọng trong các sinh hoạt hàng ngày. Khi không may xảy ra sự cố, người dân cần rửa vết thương bỏng bằng nước mát để giảm nhiệt độ, rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuyệt đối không dùng các phương pháp dân gian như thoa kem, nước mắm, mỡ trăn… vào vết thương, vì có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng nặng hơn.

dantri.com.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *