(Dân trí) – Những ngày gần đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ. Đáng chú ý, một số trường hợp nhập viện muộn qua giờ “vàng” trong tình trạng nguy cấp.
Trường hợp bệnh nhân nam, 67 tuổi, bị tăng huyết áp nhiều năm nay là một ví dụ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tay, chân phải không cử động được. Hình ảnh chụp cắt lớp sọ não có hình ảnh nhồi máu não (tắc mạch não) ở giờ thứ 30.
Trước đó, sau khi uống rượu, bệnh nhân thấy đau đầu, choáng váng, tê bì nửa người phải. Bệnh nhân về nhà đo huyết áp, thấy cao (190/105mmHg), tự uống thêm 1 viên thuốc hạ huyết áp. Một lúc sau, ông thấy dễ chịu hơn, mặc dù vẫn còn tê bì nhẹ nửa người phải.
Ngày hôm sau, ông thấy tay chân bên phải yếu nhiều hơn. Chiều cùng ngày, ông mới đến viện thì đã muộn.
Khi can thiệp sớm, trong giờ “vàng”, các dấu hiệu của đột quỵ như liệt nửa người sẽ hồi phục nhanh chóng, thậm chí có thể trở về bình thường (Ảnh minh họa: Istock).
Có tiền sử tăng huyết áp từ trước, nên ông vẫn uống một loại thuốc hàng ngày nhưng huyết áp vẫn thường xuyên ở mức 150/95mmHg. Vì không có dấu hiệu khó chịu nên bệnh nhân không đi khám lại để bác sĩ chỉnh đơn thuốc.
TS.BS Trần Song Giang, Trưởng Đơn vị C9, Viện Tim mạch, cho biết, nguyên nhân gây ra đột quỵ là do việc điều trị tăng huyết áp chưa được tốt. Huyết áp tối ưu cần đạt được khi điều trị là dưới 130/80mmHg.
Do đó, khi huyết áp còn cao trên 140/90mmHg, người bệnh cần quay lại gặp bác sĩ để tăng liều thuốc hoặc thêm thuốc. Và cần lưu ý, bệnh nhân không được tự ý bỏ thuốc, uống thuốc không đều hàng ngày.
“Nếu nhập viện sớm, trong giai đoạn giờ “vàng”, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc tiêu cục máu đông hoặc được hút cục máu đông gây tắc mạch não. Khi đó, các dấu hiệu của đột quỵ như liệt nửa người sẽ được hồi phục nhanh chóng, thậm chí có thể trở về bình thường”, TS Giang nhấn mạnh.
Bác sĩ khuyên, khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Các dấu hiệu của đột quỵ là:
– Mất thăng bằng, nhức đầu, chóng mặt.
– Mờ mắt.
– Méo, xệ mặt một bên.
– Tay, chân cùng bên tê bì hoặc yếu hơn bên kia.
– Khó nói, nói ngọng.
Giai đoạn giờ “vàng” được tính từ lúc xuất hiện triệu chứng bất thường cho đến khi được chẩn đoán là 4-6 giờ.
Như vậy, đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp. Khi gặp những dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại các cơ sở y tế trong giai đoạn giờ “vàng”. Cần lưu ý điều trị huyết áp cao đúng cách để hạn chế nguy cơ đột quỵ.
Ai có nguy cơ bị đột quỵ?
Bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ, một số người có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn những người khác. Điều quan trọng là phải biết liệu bạn có thuộc nhóm nguy cơ cao hơn hay không để nhận thức sớm các dấu hiệu cảnh báo.
Bạn có thể không biết liệu mình có mạch máu yếu có thể bị vỡ hay không, nhưng các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác có thể được sàng lọc và kiểm soát.
Hầu hết các cơn đột quỵ xảy ra khi có cục máu đông hoặc tắc nghẽn trong các mạch máu cung cấp cho não. May mắn thay, bạn có thể kiểm soát nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ này.
Bạn có nhiều khả năng bị đột quỵ nếu:
– Bị thừa cân, béo phì.
– Hút thuốc.
– Uống nhiều rượu.
– Bị cholesterol cao.
– Bị huyết áp cao.
– Mắc một số bệnh như tiểu đường hoặc rung nhĩ.
Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và tận hưởng lối sống lành mạnh có thể giúp giảm thiểu nhiều yếu tố rủi ro này. Kiểm tra huyết áp, mức cholesterol và các yếu tố khác có thể cho bạn biết liệu bạn có nhiều khả năng hình thành cục máu đông có thể gây đột quỵ hay không.
dantri.com.vn