(Dân trí) – Đang đi chúc Tết nhà bà ngoại, bé trai 7 tuổi (Bắc Giang) bất ngờ bị chó lao tới cắn tới tấp vào vùng lưng, bụng, đùi đến mức lộ cả ruột ra ngoài, thủng ruột.
Gia tăng trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn
Bệnh nhi được các bác sĩ thăm khám sau phẫu thuật (Ảnh: B.V).
Theo lời kể của gia đình, khi đó trẻ đang đi chúc Tết nhà bà ngoại thì bất ngờ bị một con chó lao ra cắn tới tấp vào vùng lưng, bụng, đùi đến mức lộ ruột ra ngoài và thủng ruột. Chó chưa được tiêm phòng dại.
Trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột, sau đó tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại cho trẻ.
Một trường hợp khác là bé gái 6 tuổi (ở Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bị chó nhà nuôi (chưa tiêm phòng bệnh dại) cắn, day vào đầu, mặt khiến lộ vùng xương sọ hai bên đỉnh đầu. Sau khi được sơ cấp cứu tại tuyến dưới, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị và tiêm huyết thanh, vaccine phòng bệnh dại.
TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, trong thời gian ngắn gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào.
Trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng đa vết thương toàn thân.
Điều quan ngại là rất nhiều vật nuôi tấn công người đã không được tiêm vaccine phòng dại trước đó. Nếu người bị súc vật tấn công không được dự phòng bằng tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại kịp thời, thì khả năng mắc bệnh dại là rất lớn, khi đó tỷ lệ sống sót gần như không còn.
Theo TS Ngãi, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra, virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng, vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của người bị dại.
Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm.
Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Người dân cần lưu ý tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y (Ảnh minh họa: H.K).
82 người tử vong vì bệnh dại trong năm 2023
Bệnh dại chủ yếu lưu hành ở các nước nhiệt đới, khá phổ biến ở khu vực châu Á và châu Phi. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm thế giới có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vaccine dại. Khoảng 60.000-70.000 người bị chết do bệnh dại.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022. Các địa phương ghi nhận số tử vong cao là Gia Lai (14), Nghệ An (7), Bình Phước (7), Điện Biên (6), Bến Tre (5).
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
– Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
– Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
– Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
– Diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại trong khu vực ổ dịch.
– Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm người dân cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine.
Lưu ý hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
Đồng thời, người bị cắn cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng ngừa dại kịp thời.
TS Ngãi cho biết thêm, dự phòng dại bằng huyết thanh và vaccine là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.
Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây… chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn hoặc gây ra các tình trạng nhiễm trùng cơ hội.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn. Trường hợp không thể tiêm vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm trong vòng 7 ngày sau mũi vaccine đầu tiên.
Tiêm vaccine phòng dại sớm với số liều tùy thuộc miễn dịch với dại đã có trước đó, tình trạng vết cắn và tình trạng con vật theo dõi được.
dantri.com.vn