Nữ sinh lớp 8 liên tục rạch tay tự gây tổn thương

(Dân trí) – Bé gái 14 tuổi (học lớp 8) luôn căng thẳng, bức bối, khó kiềm chế cảm xúc, hay cáu gắt. Đáng nói, con có hành vi tự hủy hoại, làm đau bản thân bằng cách lấy dao rọc giấy rạch vào tay.

Chiều 18/3, BS Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi – Vị thành niên (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây, bé gái 14 tuổi được bố mẹ đưa tới khám, do suốt 3 năm nay bố mẹ và con thường mâu thuẫn, căng thẳng do áp lực trong vấn đề học tập.

Theo chia sẻ của người nhà, trẻ bướng bỉnh, không vâng lời người lớn, thiếu tập trung, xao nhãng trong học tập nên học lực dần sa sút. Bệnh nhân thường tự gây sự vô cớ với bạn bè trên lớp, cáu gắt mắng chửi em gái.

Trẻ cũng thường xuyên ngồi một mình, khóc, thu mình, sử dụng nhiều internet.

Lúc đầu, người nhà nghĩ trẻ đang ở tuổi bướng bỉnh dậy thì, nên cố “nhịn”, nương theo con, nhưng những diễn biến của trẻ vẫn rất bất thường, đỉnh điểm là trẻ tự làm tổn thương bản thân bằng cách lấy dao rọc giấy rạch vào cẳng tay.

“Trẻ đến viện khám, trên tay có nhiều tổn thương là vết cả cũ và mới”, BS Yến cho biết.

Bệnh nhân được xác định là rối loạn nhân cách ranh giới. Sau điều trị, cảm xúc của bệnh nhi ổn định hơn, không có hành vi bất thường.

Nữ sinh lớp 8 liên tục rạch tay tự gây tổn thương - 1

Theo Bác sĩ Lê Công Thiện, diễn biến tự nhiên của một cháu bé đều phải trải qua giai đoạn bướng bỉnh, muốn thể hiện cái tôi bản thân, nhưng cha mẹ có thể đánh giá để nhận biết trẻ có bất thường, đưa trẻ đi tư vấn, trị liệu (Ảnh: P.V).

Bác sĩ Lê Công Thiện, Phó trưởng bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rối loạn nhân cách ranh giới là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người.

Với tình trạng này, trẻ rất khó kiểm soát cảm xúc, vì thế làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác.

Các yếu tố môi trường đã được xác định là các điều kiện dễ dẫn đến rối loạn nhân cách ranh giới sớm bao gồm các hành vi ngược đãi trong gia đình, tâm lý của các thành viên trong gia đình và mối quan hệ xung đột giữa cha mẹ và con cái.

Theo BS Thiện, nhiều gia đình phàn nàn phải “nhịn con như nhịn cơm sống” vì tính bướng bỉnh của lứa tuổi dậy thì. Tuy nhiên, làm sao để phân tích, đó là điều bình thường, phải trải qua của trẻ nhỏ ở lứa tuổi này hay là điều bất thường cảnh báo nguy cơ rối loạn nhân cách ranh giới.

“Diễn biến tự nhiên của một cháu bé đều phải trải qua giai đoạn bướng bỉnh, muốn thể hiện cái tôi bản thân, thậm chí có hành vi chống đối, cãi lại lời người lớn. Khi con cái có hành vi cãi lại, người lớn cần xem lại tình huống xem bản chất là gì, có lan tỏa với một vài người không.

Ví như nếu trong nhà chỉ ương bướng với bố, mẹ thì bình thường thì không đáng lo ngại. Nhưng nếu sự bướng bỉnh lan tỏa trong mọi tình huống, với bất cứ ai thì không còn bình thường”, BS Thiện nói.

Rất nhiều cha mẹ lúng túng, không biết đó có phải là sinh lý lứa tuổi (nổi loạn bướng bỉnh, muốn được thể hiện, chú ý, công nhận)…. Nếu có thể, cha mẹ có thể tham vấn ý kiến bác sĩ tâm lý.

Ngoài ra, người lớn cần quan sát trẻ, nếu thấy nghi ngờ, trẻ có biểu hiện giấu giếm như mặc áo dài tay, hành vi tự làm đau… thì bản thân hành vi này không còn là hành vi sinh lý lứa tuổi.

Để điều trị cho trẻ, ngoài yếu tố từ bệnh nhi, cha mẹ cũng được khuyến cáo tư vấn bác sĩ tâm lý để có thể nhìn nhận, đánh giá, điều hòa cảm xúc tốt hơn, tránh những xung đột với trẻ về lối sống, học hành… dẫn đến căng thẳng, làm tăng nguy cơ trẻ tự hủy hoại bản thân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *