(Dân trí) – Hơn 20 năm gắn bó với nghề y, đối mặt với sinh tử mỗi ngày, ThS.BS. Lương Ngọc Trung, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu và lồng ngực, Bệnh viện FV càng thấm thía sự khắc nghiệt của nghề. Để vượt qua khắc nghiệt đó, phương thuốc của anh là đam mê.
“Biết đâu mình có thể phụ một tay?”
20h, bác sĩ Lương Ngọc Trung – Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu và lồng ngực đi lại ở hành lang phòng mổ với vẻ sốt sắng. Phía trong, các đồng nghiệp đang thực hiện can thiệp mạch để cầm máu cho một thai phụ bị chảy máu không ngừng sau sinh được đưa từ Campuchia qua FV cấp cứu.
Người thực hiện ca phẫu thuật là bác sĩ Pierre Jaillot – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, một bậc thầy về thắt nút mạch. Hôm ấy, khi đã về nhà ăn tối với gia đình, song anh cảm thấy “đứng ngồi không yên”. “Với một ca phức tạp như vậy, biết đâu mình có thể phụ một tay?”. Ý nghĩ ấy đã thôi thúc anh quay trở lại bệnh viện.
Cánh cửa phòng phẫu thuật bật mở, đồng nghiệp báo tin ca can thiệp gặp trục trặc. Khi tiếp cận động mạch quay bên tay trái để tới động mạch thượng vị dưới ở vùng bụng bệnh nhân, bác sĩ Pierre gặp khó khăn trong việc tìm đường mạch can thiệp, cần một bác sĩ phẫu thuật. Trong tâm thế sẵn sàng, bác sĩ Trung lập tức vào hỗ trợ.
Thường xuyên làm việc trên các hệ thống mạch máu, bác sĩ Trung hiểu rằng động mạch cánh tay của nữ sản phụ co thắt lại nhỏ xíu như đầu tăm, do trước đó được dùng thuốc co mạch liều cao để nâng huyết áp lên sau các lần phẫu thuật. Rất nhanh chóng, anh quyết định can thiệp mạch thông qua đường từ hõm nách để tiếp cận động mạch thượng vị dưới ở vùng bụng bệnh nhân trong sự bất ngờ của ê-kíp mổ. Từng động tác cẩn trọng và khéo léo, anh đã đưa dụng cụ nội soi tới ổ bụng để bác sĩ Pierre Jaillot thực hiện thắt nút mạch thành công cho bệnh nhân.
Sản phụ Campuchia sau đó còn phải trải qua nhiều khâu điều trị tại FV suốt 1 tháng. Dẫu không phải là bệnh nhân do anh trực tiếp điều trị, song khi nghe tin chị được xuất viện, bác sĩ Trung kể lại, anh cảm thấy tự hào vì được góp công sức nhỏ bé cùng đồng nghiệp cứu người mẹ trẻ vượt cửa tử trong gang tấc.
ThS.BS. Lương Ngọc Trung, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu và lồng ngực, Bệnh viện FV (Ảnh: FV).
Hạnh phúc khi mang lại cho bệnh nhân cuộc đời mới
Hơn 20 năm gắn bó với nghề y, niềm đam mê cứu người và chinh phục những kỹ thuật điều trị khó đã giúp bác sĩ Lương Ngọc Trung từng bước vượt qua nhiều thử thách, đạt những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp.
Tốt nghiệp Đại học Y Huế năm 2001, anh học tiếp chương trình thạc sĩ y khoa và bác sĩ nội trú chuyên ngành phẫu thuật tim mạch, lồng ngực. Từ năm 2006-2007, anh sang Pháp học chương trình bác sĩ nội trú chuyên ngành phẫu thuật tim mạch Đại học Y khoa Pierre và Marie Cuirie (Paris 6); bác sĩ nội trú khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực Đại học Y khoa Paul-Sabatier, Toulouse.
Anh còn đạt nhiều chứng chỉ nghề nghiệp quan trọng khác như chứng chỉ Can thiệp nội mạch động mạch chủ và mạch máu ngoại biên của Đại học Y The Prince of Songkla (Thái Lan), chứng chỉ Thay van động mạch chủ qua da (TAVI) bệnh viện Pities- Salpetriere (Pháp)…
Bác sĩ Lương Ngọc Trung tự thấy mình gặp nhiều may mắn khi trên mỗi chặng đường học tập, anh được dìu dắt bởi những người thầy lớn như GS.TS. Bùi Đức Phú, PGS.TS.BS. Lê Quang Thứu, giáo sư phẫu thuật tim mạch nổi tiếng người Pháp Yves Glock.
Bác sĩ Trung cho biết, càng nghiên cứu về thế giới mạch máu trong cơ thể người, anh càng thấy đam mê. Thật khó diễn tả hết cảm xúc của một phẫu thuật viên sau khi thao tác tỉ mỉ hàng giờ trên những sợi mạch máu nhỏ như cọng chỉ, hay “gọt đẽo” van tim để trả lại nó về chức năng bình thường.
“Tôi rất tâm đắc cách ví von của GS. Yves Glock: bác sĩ phẫu thuật mạch máu và nhà văn đều là những nghệ sĩ thực thụ; nếu nhà văn phân tích tâm hồn con người bằng ngòi bút thì bác sĩ phẫu thuật mạch máu bóc tách các mạch máu trong cơ thể bằng dao mổ. Và khi một mạch máu được sửa chữa thành công, dòng máu được khơi thông, bệnh nhân thoát cơn nguy kịch, người bác sĩ cảm giác hạnh phúc vì đã mang lại cho bệnh nhân một cuộc đời mới”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Bác sĩ Lương Ngọc Trung (trái) và ê-kíp đang phẫu thuật cho bệnh nhân của FV (Ảnh: FV).
Với bác sĩ Trung, những xúc cảm mạnh mẽ nhất có lẽ là những ca mổ điều trị dị tật cho trẻ em. Chị Tiên – nhân viên của Quỹ Nâng bước tuổi thơ cho biết, anh là một trong những bác sĩ tích cực hợp tác với quỹ từ thiện Nâng bước tuổi thơ để mổ miễn phí cho các em bé có hoàn cảnh khó khăn bị dị dạng mạch máu hoặc bị lõm ngực bẩm sinh.
“Điều tôi ấn tượng về bác sĩ Trung đó là sau ca mổ, anh thường xuyên thăm khám theo dõi bệnh tình của bệnh nhân, thậm chí sau đó còn chủ động liên lạc với gia đình các em xem tình trạng của bệnh nhân ra sao”, chị Tiên – nhân viên của Quỹ Nâng bước tuổi thơ chia sẻ.
Mỗi lần hay tin những bệnh nhi của mình – chẳng hạn H’ Miriam – bé gái người dân tộc Êđê sau khi được cắt đi cục bướu to như một ba lô trên lưng, cơ thể phát triển cân đối khỏe mạnh và em rất vui tươi; hay cậu bé Bdap 9 tuổi bị lõm ngực bẩm sinh đã sớm ổn định sức khỏe sau khi phẫu thuật khôi phục vòm ngực…, bác sĩ Trung đều cười rạng rỡ xúc động.
Anh bộc bạch, niềm hạnh phúc sau mỗi ca mổ thành công đã giúp anh vượt qua những khắc nghiệt của nghề – đặc biệt là phẫu thuật tim, vốn phải thường xuyên đối mặt với những khó khăn, áp lực, kể cả tình trạng bệnh nhân ngưng tim trên bàn mổ.
Cũng chính từ môi trường khắc nghiệt này, bác sĩ Trung đã định hình được những nét tính cách quan trọng của người phẫu thuật viên, đó là cẩn trọng và tỉ mỉ, không cho phép mình sai sót. Anh nhắc lại câu nói kinh điển trong nghề phẫu thuật: “Phẫu thuật viên giỏi phải là người có đôi mắt chim ưng, trái tim sư tử và đôi tay khéo léo của người phụ nữ”.
Bác sĩ Trung thăm khám cho một bệnh nhi bị dị dạng mạch máu được Quỹ Nâng bước tuổi thơ bảo trợ (Ảnh: FV).
Làm việc bằng cả tấm lòng ở bất cứ vai trò nào
Năm 2017, bác sĩ Trung gia nhập Bệnh viện FV và chọn chuyên ngành lồng ngực mạch máu như một cách để thử thách chính mình. Anh tranh thủ tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất để cập nhật những kỹ thuật điều trị tiên tiến trên thế giới.
“5 năm làm việc cùng bác sĩ Trung, tôi luôn có sự yên tâm, tin tưởng và biết anh chắc chắn sẽ làm trọn trách nhiệm của mình. Anh được bệnh nhân tin tưởng. Anh tích cực hỗ trợ và hợp tác với khoa khác về các vấn đề liên quan đến khoa mạch máu. Do cẩn trọng, tỉ mỉ nên anh cũng là một người khó tính, bác sĩ Trung muốn mọi hồ sơ bệnh nhân đều phải chỉn chu”, chị Nguyệt – Thư ký khoa nhận xét về người cộng sự của mình.
Tuy nhiên, chị cũng cho biết, anh chỉ khắt khe trong công việc chuyên môn; ngoài giờ, anh là người cởi mở và thân thiện. Qua các câu chuyện về gia đình, những cuộc gọi cho vợ con với giọng trìu mến trong ca trực khuya, hay anh có thói quen lấy ảnh con gái cưng ra ngắm vội trong quãng nghỉ giữa hai cuộc khám bệnh…, bác sĩ Trung trong mắt các đồng nghiệp là một người chồng, người cha tình cảm.
Cuối năm 2023, bác sĩ Trung được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu và lồng ngực.
Lý giải về việc bổ nhiệm một bác sĩ trẻ vào vị trí trưởng khoa, bác sĩ Đỗ Trọng Khanh – Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV cho biết: “Bác sĩ Trung nắm chắc kỹ thuật chuyên môn, đồng thời có kỹ năng của một đội trưởng. Tại FV, tiêu chí quan trọng nhất của một người lãnh đạo ngoài chuyên môn ra thì chính là lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và tầm nhìn. Bác sĩ Trung hội đủ các yếu tố đó”.
Vốn là người thuần làm chuyên môn, bác sĩ Trung cười hiền lành khi bày tỏ có đôi chút áp lực ở vai trò đầu tàu một chuyên khoa.
Dẫu vậy, anh hào hứng khi chia sẻ kế hoạch phát triển khoa phẫu thuật lồng ngực, mạch máu hiện đại, can thiệp tối thiểu, chất lượng cao. Việc áp dụng các phương pháp điều trị hiện đại này cho các ca mổ, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ không cần gây mê, không đau, rút ngắn thời gian nằm viện.
Bác sĩ Lương Ngọc Trung tư vấn cho bệnh nhân về bệnh mạch máu (Ảnh: FV).
Trong vai trò quản lý một chuyên khoa được kỳ vọng trở thành chuyên khoa mũi nhọn, bác sĩ Trung cho biết, anh vẫn giữ đúng phương châm: làm việc bằng cả tấm lòng, cố gắng làm tốt nhất có thể.
“Có một câu nói của Voltaire mà tôi rất tâm đắc: đừng để sự hoàn hảo trở thành kẻ thù của những điều tốt đẹp. Nói cách khác, thay vì ép buộc bản thân theo đuổi sự hoàn hảo bất khả thi, hãy chấp nhận làm việc ở mức tốt. Với tôi điều tốt còn tốt hơn là sự hoàn hảo”, vị tân Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu và lồng ngực – Bệnh viện FV đúc kết.
dantri.com.vn