7 ngày, bệnh viện ở TPHCM tiếp nhận hơn 650 người bị động vật cắn

(Dân trí) – Chỉ trong một tuần, một bệnh viện ở TPHCM đã tiếp nhận đến hơn 650 người bị động vật cắn đến tiêm phòng bệnh dại. Trong đó, có hàng trăm ca bị vết thương độ 3.

Ngày 29/2, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, trong tuần qua đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến tiêm vaccine phòng dại, vì bị động vật tấn công.

Hàng trăm người bị động vật tấn công gây vết thương nặng

Cụ thể, từ ngày 19/2 đến ngày 25/2, có tổng cộng 660 người đến bệnh viện trên tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại, trải đều cả nam lẫn nữ. Trong đó, có 117 trường hợp dưới 15 tuổi và gần 240 người có độ tuổi 24-49. Hơn 650 người bị động vật tấn công thời gian gần đây (dưới 15 ngày).

Về loại động vật, có 476 trường hợp bị chó cắn, 170 ca bị mèo tấn công, ngoài ra còn có dơi và các động vật khác. Về mức độ, có hơn 350 trường hợp bị vết thương độ 3 và hơn 300 ca có vết thương độ 2. Các nạn nhân chủ yếu bị tấn công ở vị trí tay chân (với hơn 560 ca), cùng nhiều ca bị thương vùng đầu mặt cổ và thân.

7 ngày, bệnh viện ở TPHCM tiếp nhận hơn 650 người bị động vật cắn - 1

Người dân đến tiêm ngừa tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Đáng chú ý, có hàng chục ca bị tấn công khi con vật đang ốm, 3 ca con vật cắn người khi đã lên cơn dại. Trong tuần qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã thực hiện tổng cộng 1.663 lượt tiêm ngừa dại cho người dân (bao gồm mũi đầu và các mũi nhắc).

Trong khi đó, chỉ trong hai tuần đầu sau Tết (13-26/2), hơn 165 trung tâm thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC ghi nhận số người tiêm vaccine dại tăng hơn 300% so với giai đoạn trước dịp lễ.

Trong đó, số người tiêm vaccine dại sau khi bị động vật cắn, cào tăng hơn 3 lần và số người tiêm dự phòng trước tăng gấp hai lần. Dù chưa phải cao điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng vaccine dại đã tăng cao.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa hệ thống tiêm chủng trên cho biết, đầu năm gia tăng nhu cầu đi lại, du lịch, tham gia lễ hội… trong khi các vật nuôi thả rông không được tiêm phòng hoặc quản lý tốt. Đây là các nguyên nhân khiến số người đến tiêm phòng dại tăng cao.

Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus lây truyền từ động vật sang người thông qua vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100% và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

7 ngày, bệnh viện ở TPHCM tiếp nhận hơn 650 người bị động vật cắn - 2

Một số trường hợp bị cắn phải dùng huyết thanh kháng dại (Ảnh: Hoàng Lê).

Nguy hiểm hơn, thời gian ủ bệnh của dại khá phức tạp, có thể chỉ 7-10 ngày hoặc kéo dài vài tuần, thậm chí vài năm, phụ thuộc vào tình trạng và vị trí vết cắn. Vết thương càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, ngón tay… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh dại cao?

Bệnh dại có thể hung dữ và thể liệt, trong đó thể hung dữ phổ biến hơn, với 80% ca mắc. Dấu hiệu điển hình của thể hung dữ là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, rối loạn tri giác, co giật toàn thân, co thắt cơ hô hấp, sặc, khó thở, ngưng tim, hôn mê, tử vong nhanh trong vòng 2-4 ngày kể từ khi khởi phát.

Với thể liệt, bệnh nhân bị tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu và đại tiện, liệt tay, chân, tử vong ngay khi liệt cơ hô hấp. Người mắc bệnh dại thể liệt vẫn tỉnh táo hoàn toàn và đau đớn cho đến lúc tử vong.

Năm 2023, Việt Nam có 82 trường hợp tử vong do dại, tăng 12 ca so với năm trước. Tính riêng 2 tháng đầu năm, Bộ Y tế thống kê cả nước xảy ra gần 20 ca tử vong do dại và nghi dại ở 13 tỉnh, thành phố, tăng gần 10 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có số người tử vong do dại nhiều nhất (4 ca, tính đến ngày 26/2).

Cũng theo bác sĩ, trẻ em là đối tượng nguy cơ dễ bị các động vật như chó, mèo tấn công và gây bệnh dại cao hơn. Cụ thể, trẻ em có bản tính hiếu động, thường xuyên chơi, đùa giỡn, khiêu khích, kéo đuôi hoặc tiếp cận chó mèo, khiến chúng nổi giận tấn công.

7 ngày, bệnh viện ở TPHCM tiếp nhận hơn 650 người bị động vật cắn - 3

Một trường hợp trẻ đi tiêm vaccine phòng dại sau khi bị mèo cào dịp Tết (Ảnh: PL).

Hơn nữa, trẻ em có cơ thể thấp, nên khi bị chó cắn thường sẽ bị ở đầu, mặt, cổ nhiều hơn là người lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến virus dại di chuyển nhanh hơn lên hệ thần kinh trung ương và gây bệnh nhanh. Thông thường, trẻ bị cắn nhiều hơn vào các dịp nghỉ hè, lễ Tết.

Mặt khác, trẻ cũng chưa ý thức về bệnh nên giấu vết thương, không thông báo cho gia đình, làm lỡ cơ hội điều trị.

Các bác sĩ khuyến cáo, chó mèo không chỉ cắn mới gây bệnh dại mà việc liếm vào vết thương, cào cấu cũng là ngõ vào của virus dại. Do đó, người dân phải chú ý chích ngừa cho chó, mèo. Khi bị cắn, cào, liếm vào vết thương, bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ, bộ phận sinh dục… phải đi tiêm ngừa ngay.

Các bước xử trí khi bị chó mèo hoặc vật nuôi, động vật hoang dã tấn công

1. Sơ cứu tại chỗ: Xối rửa vết thương bằng xà phòng với nước hoặc nước sạch dưới vòi nước trong vòng 15 phút để rửa trôi virus. Sau đó, tiếp tục sát trùng vết thương với cồn 45-70%, cồn iod hoặc povidone – iodine (nếu có).

2. Nếu vết thương chảy máu, không nên nặn máu, chà xát, đắp lá, làm dập nát vết thương.

3. Che vết thương bằng băng gạc y tế, không băng kín hoặc khâu kín vết thương.

4. Đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm vaccine càng sớm càng tốt.

dantri.com.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *